Văn hóa Vụ Bản

Cụm di tích Phủ Giày thuộc xã Kim Thái, thờ bà chúa Liễu Hạnh là một trong Tứ bất tử trong điện thần Việt Nam. Cụm di tích này gồm Phủ Thiên Hương được xây từ thời Lê Cảnh Trị; Phủ Vân Cát rộng gần 1ha gồm 7 tòa với 30 gian lớn nhỏ; Lăng bà chúa Liễu được xây dựng bằng đá xanh, diện tích 625 mét vuông, có 60 búp sen hồng.

Huyện có nhiều lễ hội nổi tiếng như: hội Phủ Giầy (từ mùng 1 đến 10 tháng 3 âm lịch, chính hội vào tối mùng 5), chợ Viềng (đêm mùng 7, ngày mùng 8 tết Âm lịch),...

Lễ hội Phủ Dầy

Huyện Vụ Bản thuộc vùng đất cổ, đất đai tương đối ổn định. Dọc phía tây huyện có các dãy núi đất lẫn đá chạy từ Bắc xuống Nam với sáu ngọn núi: Núi Ngăm, núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ. Dấu vết người nguyên thuỷ tìm thấy tại các khu vực núi này minh chứng Vụ Bản là một trong những cái nôi sinh ngụ của người Việt cổ. Vụ Bản nằm kẹp giữa sông Đào và sông Sắt. Sông Đào một đầu nối với Sông Hồng, đầu kia đổ ra sông Đáy. Sông Sắt nối liền sông Châu với sông Đáy. Mảnh đất này chính là do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi tụ nên. Đã từ lâu huyện Vụ Bản được nhiều người biết đến với Chợ Viềng xuân và Lễ hội Phủ Dầy.

Huyện Vụ Bản còn có non Côi (núi Gôi) và một vùng đất lầy là dấu vết sông Vị Hoàng đã để lại. Hai di tích này được nhắc đến trong câu sau:

Anh đi anh nhớ non Côi
Nhớ sông Vị Thủy, nhớ người tình chung
Quản bao non nước ngại ngùng
Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa

Huyện có nhiều truyền thống văn hóa, có nhiều danh nhân nổi tiếng như: Trạng nguyên và nhà toán học Lương Thế Vinh, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà cách mạng Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Thuận, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Văn Ký, nhà thơ Vũ Tú Nam, Bộ trưởng: Nguyễn Cơ Thạch, Trần Huy Liệu, Song Hào, Phạm Bình Minh, Thứ trưởng: Bùi Văn Nam.